Việc trẻ buộc phải chuyển đến một hệ thống trường học mới do cha mẹ thay đổi công việc, để gần gia đình hơn hoặc có lẽ là một khu phố tốt hơn cũng là điều bình thường.
Tiến sĩ Alex Miksit, bác sĩ nhi khoa tại Hoa Kỳ, cho biết: “Việc trẻ cảm thấy bất an trong vài tháng đầu chuyển đến trường là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng, cha mẹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ làm quen và thích nghi môi trường mới dễ dàng hơn”.
Dưới đây là 7 lời khuyên của Tiến sĩ Miksit để việc chuyển sang trường mới suôn sẻ hơn.
Thừa nhận cảm xúc của con và ân cần hỏi ha con
Hãy cởi mở và trung thực về lý do tại sao con chuyển sang trường học mới và đặt câu hỏi để giúp con bày tỏ mối quan ngại. Con lo lắng nhất về điều gì? Con có hào hứng không? Khi năm học bắt đầu, điều tuyệt vời nhất và tồi tệ nhất trong ngày của con là gì?
Câu trả lời của con có thể giúp bạn hiểu được cách con xử lý quá trình chuyển đổi. Bạn cũng có thể nắm bắt được các vấn đề, chẳng hạn như sự bất cập trong giờ ăn trưa và giúp con tìm ra giải pháp.
Hãy thừa nhận cảm xúc của con và rằng đây là khoảng thời gian căng thẳng, đồng thời không ngừng khuyến khích, động viên con. Nhấn mạnh rằng sự thay đổi là khó khăn sẽ giúp con vượt qua căng thẳng dễ dàng hơn và việc đặt tên cho những nỗi sợ hãi có thể giúp con chinh phục chúng.
Liên lạc với giáo viên
Giao tiếp với giáo viên là điều quan trọng. Giáo viên là những người ủng hộ lớn nhất của trẻ. Họ cũng đã hỗ trợ nhiều học sinh và gia đình có hoàn cảnh tương tự. Nếu con bạn đang gặp khó khăn, bạn có thể cùng giáo viên xây dựng một kế hoạch để giúp giảm bớt áp lực của quá trình chuyển đổi.
Ngoài ra, người làm công việc cố vấn tại trường học cũng là một nguồn lực tuyệt vời khác giúp trẻ xử lý cảm xúc của mình, đồng thời giúp chúng hòa nhập với trường học và cộng đồng mới, nếu cần thiết.
Tìm hoạt động ngoại khóa
Cho con tham gia vào các hoạt động sau giờ học, chẳng hạn như câu lạc bộ hoặc thể thao, là một cách tuyệt vời để giúp con kết bạn. Trẻ em sẽ dễ dàng gắn kết hơn với những sở thích và trải nghiệm chung, đồng thời có thể giúp con phát triển ý thức cộng đồng.
Đối với trẻ nhỏ, hãy lên kế hoạch cho con dành trọn một buổi chơi với các bạn cùng lớp.
Tiến sĩ Miksit cho biết: “Phụ huynh cũng có thể nỗ lực bằng cách kết nối mạng lưới tại trường mới và tổ chức các cuộc tụ họp để giúp con làm quen với những người khác. Tìm kiếm các hoạt động ngoại khóa bên ngoài trường học là cách quan trọng giúp con bạn xây dựng mối quan hệ và thích nghi ngôi trường mới”.
Cùng nhau đặt ra những mục tiêu nhỏ
Cùng nhau đặt ra những mục tiêu nhỏ có thể giúp con vượt qua sự khó chịu và dễ dàng chuyển sang trường học mới. Ví dụ, con có thể đặt mục tiêu ngồi cạnh một học sinh mới vào bữa trưa, chào một người bạn mới vào buổi học hôm nay hoặc mời ai đó chơi vào giờ giải lao.
Con sẽ tự hào khi đạt được mục tiêu của mình và thậm chí có thể kết bạn mới trong quá trình này.
Ưu tiên giấc ngủ và một thói quen nhất quán
Chuyển sang trường mới là khoảng thời gian căng thẳng, vì vậy hãy tạo thói quen ngủ lành mạnh ngay từ bây giờ để giúp trẻ có được một đêm ngon giấc, đặc biệt là khi bắt đầu đi học.
Những việc như đặt lịch ngủ và thói quen đi ngủ nhất quán, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị trước khi đi ngủ và tạo môi trường thư giãn cho giấc ngủ là những điều quan trọng để giúp con bạn bắt kịp năm học mới.
Giấc ngủ là điều thiết yếu để giúp con đối phó với căng thẳng và lo lắng, xử lý trải nghiệm mới và đương đầu với những thử thách.
Ngoài ra, hãy tạo thói quen buổi sáng phù hợp với những gì con sẽ trải qua khi bắt đầu đi học. Các thói quen thường ngày có tác dụng an ủi và giảm căng thẳng vì chúng giúp trẻ biết điều gì sẽ xảy ra hàng ngày.
Biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu sự lo lắng của con bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đau đầu hoặc đau bụng, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Họ có thể giúp bạn phát triển một kế hoạch nhằm giúp giảm bớt những khó khăn của con hoặc xác định xem có vấn đề nào khác nữa không.
Tiến sĩ Miksit cho biết: “Một số gia đình chuyển trường vì những yếu tố gây căng thẳng mà họ không thể kiểm soát được, chẳng hạn như mất việc làm hoặc ly hôn. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn so với những gì cha mẹ nghĩ”.